Đại học Quốc gia Hà Nội đồng hành cùng Hà Tĩnh trong triển khai quy hoạch tỉnh
- Ngày 28/5 vừa qua, tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến thương mại vào Hà Tĩnh, Giám đốc Lê Quân đã chia sẻ chủ đề hợp tác giữa ĐHQGHN với tỉnh Hà Tĩnh cùng các doanh nghiệp trong thu hút đầu tư về khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để triển khai Quy hoạch tỉnh.
Ngoài điểm cầu chính tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, hội nghị được kết nối trực tuyến hơn 270 điểm cầu đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định số 1363/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giám đốc Lê Quân cũng đã chia sẻ về hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) với tỉnh Hà Tĩnh cùng các doanh nghiệp trong thu hút đầu tư về khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để triển khai Quy hoạch tỉnh.
Tháng 3/2023, ĐHQGHN cùng với tỉnh Hà Tĩnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2023 -2027 nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của tỉnh với 04 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng và phát triển Trường ĐH Hà Tĩnh.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh, tặng hoa chúc mừng Hà Tĩnh |
Bám sát 03 đột phá chiến lược của Tỉnh, trong đó có phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐHQGHN đề xuất: Hợp tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp, gắn với chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển xã hội số, nền kinh tế số; Hợp tác trong Đề án phát triển Trường ĐH Hà Tĩnh trở thành thành viên của ĐHQGHN trình Thủ tướng Chính phủ, tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung và CHDCND Lào.
Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ĐHQGHN sẽ hợp tác với tỉnh về lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý tài nguyên; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, ĐHQGHN đề xuất tham gia, phối hợp với tỉnh trong Chương trình KH&CN phục vụ thu hút đầu tư phát triển các tỉnh ven biển. Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác đưa ra các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển sản xuất của các lĩnh vực công nghiệp chủ lực; phát triển du lịch biển, cảng và dịch vụ logistic; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics.
Về xây dựng và kết nối sản phẩm du lịch, ĐHQGHN đề nghị hợp tác với Tỉnh và doanh nghiệp trong xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tại Hương Sơn, Kỳ Anh,…; xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh theo hướng du lịch xanh và bền vững trên địa bàn tỉnh để tổng kết, đánh giá nhân rộng ra toàn tỉnh tại Vũ Quang, Hương Khê,…
Về lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, ĐHQGHN đề xuất phối hợp nghiên cứu triển khai: Tiếp tục cải tiến nguồn gen để phát huy hết thế mạnh của nguồn gen quý bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, Quýt khốp; Phát triển Vùng 1 và 2 thành vùng chuyên canh tập trung cây có múi đặc sản của tỉnh, gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc; Hợp tác trong xác lập và phát triển tài sản trí tuệ (Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm truyền thống của tỉnh Hà Tĩnh.
Về lĩnh vực chuyển đổi số, lãnh đạo ĐHQGHN cho rằng, cần nâng cao chất lượng quản trị công thông qua cải cách hành chính và ứng dụng CNTT, trong đó nâng cao tính minh bạch, tính phục vụ (lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm), trách nhiệm giải trình (ra quyết định dựa trên bằng chứng dữ liệu); Đẩy mạnh minh bạch hóa quản lý môi trường thông qua ứng dụng CNTT, lấy sự minh bạch làm lực dẫn dắt việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường; Tận dụng các nguồn lực hỗ trợ để phát triển văn hoá - xã hội, phát triển kinh tế.
Giám đốc Lê Quân cho biết, trong thời gian qua, nhiều nhà khoa học và chuyên gia của ĐHQGHN đã tham gia tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như tham gia nghiên cứu Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh. ĐHQGHN cam kết sẽ đồng hành cùng tỉnh triển khai quy hoạch được công, để Hà Tĩnh sớm trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước.