Nghĩ ngợi chiều hôm
Các chuyên gia nói, với 475 cú sét trong vòng 10 phút là chuyện “bình thường”. Và chuyện đếm được… sét đến tận con số lẻ giờ đây cũng “bình thường”, bởi chúng ta đã có mạng lưới định vị sét.
Người phụ nữ 30 tuổi ở Hà Nội bị trận sét hôm ấy đánh hôn mê mấy ngày, cũng vừa tỉnh lại. Nghe nói chiếc dây chuyền vàng tây nạn nhân đeo trên cổ bị sét đánh cháy sém. Nhân đây bác sĩ khuyên mọi người không nên đeo trang sức và vật dụng kim loại khi ra ngoài giông gió. Nhớ vu vơ tới vết sẹo sét đánh hằn trên trán cậu bé phù thủy Harry Potter như một lời nguyền. Lại nhớ trong Lolita của Nabokov, mẹ của Humbert bị sét đánh chết trong chuyến dã ngoại kinh hoàng, để rồi mặt trời thời thơ ấu của đứa bé 3 tuổi ấy từ đó biến mất vĩnh viễn, hình thành nên một kẻ bệnh hoạn đáng sợ.
À, mặt trời. Các nhà khoa học vừa phát hiện thêm những bằng chứng mới về sự tồn tạị của hành tinh thứ 9 trong hệ mặt trời. Sức nóng mặt trời nếu vậy có được chia sẻ không, đà tăng nhiệt của trái đất có được hãm bớt chút nào không? Ánh nắng mặt trời hiện diện khắp nơi, nuôi sống hành tinh này. Nhưng nó cũng chói chang bám đuổi mọi khúc quanh định mệnh cuộc đời ngắn ngủi của những “kẻ xa lạ” như Meursault trong tiểu thuyết của Albert Camus. Những thân phận do phi lý sinh ra ấy luôn phải đối diện với mặt trời, mà ánh sáng như những cú “đập mạnh vào đầu”.
Mưa gió, sấm sét, bão tố thường gây nhiễu loạn về cảm xúc, trong đó có sự bất an, vô thường. Những đồi gió hú, những âm thanh cuồng nộ ngàn vạn năm nay vẫn dội xuống mảnh đất người đời. Sự phi lý tột cùng của tồn tại nhiều khi vẫn hiện diện một cách hữu lý, trong đời sống hữu hạn đang rơi vào thế nhị nguyên của chúng ta. Con người như quả lắc đồng hồ, như hạt mưa cô đơn đung đưa bất tận, mà không thể làm nên cơn mưa hay định vị thời gian cho chính mình.
Một thứ nhị nguyên kiểu vừa cao ráo đẹp đẽ (lại phải) vừa là nhà lãnh đạo xuất sắc. Như yêu cầu của trường đại học nọ khi chỉ tuyển chọn những thí sinh có chiều cao đạt chuẩn dáng vóc của “những nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành xuất sắc”. Điều khá phi lý và mơ hồ, nếu nhìn vào thực tế.
Đề thi môn Văn vào lớp 10 năm nay ở TPHCM yêu cầu bình luận về câu “biết nghĩ bằng con tim”. Ừ, những đứa trẻ 15 tuổi chắc sẽ đủ tỉnh táo và khôn ngoan để bình bàn, rằng làm sao đời sống này có ai đó chỉ nhìn, nghĩ và quyết định “bằng con tim” được.
Còn chiều nay, những hạt nước lơ lửng trên chốn xa xôi kia vẫn chưa thể làm mưa…