menu
logo
icon-search

Tâm sự

Khổ

Tiền Phong.2024-06-02 11:01:52
Ba năm trước, tháng 3/2021, trong bài viết tiễn biệt NSND Trần Hạnh, tôi gọi ông là "lão khổ", mượn tên một tiểu thuyết của Tạ Duy Anh. Ít nhất trong giới nghệ sĩ, ai theo dõi cuộc đời Trần Hạnh sẽ biết. Và cũng bởi ông luôn bị các đạo diễn bắt "chết vai" những ông lão trông… khổ khổ. 

Nhưng cũng phải tự hỏi cuộc đời ấy có "khổ" thật không, khi 90 tuổi mới chịu…bỏ thuốc lá, sống thọ đến 93 tuổi một cách mạnh khỏe, minh mẫn, có gia đình yên ấm, con cháu thương yêu kính trọng, có một cuộc đời dù lắm thăng trầm nhưng không phải ai cũng đạt đến, được sự yêu mến của bao nhiêu thế hệ khán giả...? Không có gì là tuyệt đối.

Tôi không dám so khổ với sướng, vì cũng như khổ, biết thế nào là sướng. Chàng thanh niên Jean Valjean trong Những người khốn khổ của Victor Hugo bị đói khổ giày vò phải ăn cắp ổ bánh mì cứu đói cho gia đình, để rồi giác ngộ trở thành vị thánh chí thiện. Còn chàng Tất Đạt Đa trong Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse thì phải vượt qua sự sung sướng xa hoa, dấn thân vào đời sống trầm luân để diệt khổ, thành Phật.

Nên chỉ dám so khổ với nhàn. Chữ nhàn kiểu Nho gia “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc/ Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn” (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ; Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn) như Nguyễn Công Trứ. Quăng bỏ hết mọi sân si, mọi công danh phú quý, cũng có nghĩa là buông bỏ.

Nhưng rồi cảnh nhàn, mà tâm có được nhàn không? Ức Trai Nguyễn Trãi đã ngộ ra chữ "nhàn", đã lui về núi non Côn Sơn ở ẩn (Công danh đã được hợp về nhàn/ Lành dữ âu chi thế ngợi khen), mà nào có thoát được khổ nạn bị chém đầu và tru di tam tộc. Bởi "tấc lòng ưu ái”với giang sơn xã tắc khiến ông không thể buông hết được. Đó chính là trách nhiệm xã hội, là tinh thần công dân. Chứ không phải diệt khổ hay hưởng nhàn cho riêng cá nhân mình.

Hành giả Minh Tuệ có khổ không, hành giả Minh Thiện vừa qua đời trên đường hành đạo giữa nắng nóng khốc liệt Quảng Trị, có khổ không? Tất nhiên là khổ (ít nhất là trong quán niệm), nên các ông mới tìm đường diệt khổ và giải thoát theo gương đức Phật. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở ý niệm ấy thì đơn giản quá. Bởi hạnh nguyện và hạnh tuệ của các ông ít nhiều đã làm tỉnh thức không ít điều giữa thời hiện đại này.

Căn bản giáo lý nhà Phật là khổ và diệt khổ. Nhưng cần thấy thực tế, rằng làm sao có thể diệt hết khổ trên đời này được? Không có phép màu nào từ Phật pháp. Mà chỉ có thể tự thân biến khổ thành lò luyện, làm điểm tựa, "lấy độc trị độc” để vượt qua nó. Mới có thể lý giải được vì sao biết bao bậc tiền nhân đã hy sinh tuyệt đối cho dân tộc, cho loài người, vì sự văn minh tiến bộ của nhân loại, và đang còn biết bao người tiếp bước.

Và chỉ có thể buông bỏ sự tham lam - nguồn gốc sinh ra mọi khổ đau, tàn bạo, với một điều kiện bắt buộc, đó là khắc chế sự vô minh của chính mình mà thôi.

Lưu bài viết
Chia sẻ