Chữa bệnh 'ngáo vàng'
Không thể để vàng thay thế đồng tiền mỗi khi mua bán nhà, đất hay ô tô… như có thời từng diễn ra.
Câu chuyện “bình ổn giá vàng” mới nghe tưởng không thuận (thường bình ổn các mặt hàng thiết yếu), nhưng kỳ thực đây không phải chỉ lo chuyện cho người giàu. Ngân hàng Nhà nước mấy tháng qua như bác sỹ bắt mạch, thăm dò căn bệnh. Đơn thuốc đầu tiên kê ra giống 10 năm trước: Đấu thầu vàng. Tuy nhiên, “bệnh” không dứt mà vẫn chỉ có lợi cho các doanh nghiệp vàng. Ngân hàng Nhà nước bèn đổi cách điều trị bằng đơn thuốc khác: Giao cho 4 ngân hàng cổ phần nhà nước (big 4) bán, lập tức hạ sốt-giá vàng giảm nhiều triệu đồng/lượng. Về mặt quản trị, giá vàng giảm đã tốt, nhưng để người dân chán vàng, không đổ tiền tích trữ kim loại quý hiếm này, thay vào đó đưa tiền lưu thông vào nền kinh tế, mới thực sự thành công. Đây cũng là điều bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn.
Căn bệnh “ngáo vàng” không tự dưng mà có. Nó thực sự phản ánh hiện trạng nền kinh tế. Các nhà kỹ trị nhìn vào đó chắc chắn đã hình dung nguồn cơn. Người Việt hay người Á Đông có tập quán tiết kiệm bằng vàng, rồi truyền cho con cháu, điển hình qua cưới hỏi. Như một xu hướng ai cũng thấy, vàng luôn tăng giá. Một chỉ vàng nếu mua 20 năm trước, giờ đã tăng hơn 20 lần. Để tránh người dân tích trữ vàng, Ấn Độ (nơi người dân thậm chí cuồng vàng) đã phát hành trái phiếu vàng. Mỗi khi đến hạn thanh toán, người mua sẽ được hoàn trả bằng vàng thỏi và tiền lãi. Nhiều quốc gia khác, giao dịch vàng bị đánh đủ loại thuế và đương nhiên có sự kiểm soát của ngân hàng trung ương.
Chữa bệnh “ngáo vàng” ở ta, một mình Ngân hàng Nhà nước là không đủ. Thực tế, giải pháp dùng “big 4” bình ổn, lại phát sinh câu chuyện các doanh nghiệp vàng ngừng bán hàng (SJC) và không loại trừ cử người xếp hàng mua với mục đích đầu cơ. Chưa hết, nhiều ngân hàng thương mại khác như thêm dầu vào lửa khi bán vàng với giá cao hơn mức bình ổn. Những phát sinh này khiến cho người dân càng không yên tâm rằng, giá vàng đang bình ổn.
Con bệnh dường như chạy vòng quanh, bác sỹ dùng các phương thuốc khu biệt. Chắc chắn, đến thời điểm phù hợp, nếu bệnh “ngáo vàng” không dứt, vẫn còn cách phẫu thuật hoặc liệu pháp sốc nào đó, miễn là cắt cơn, cứu sống người bệnh. Nhà nước quản lý bằng chính sách hữu hiệu, nhưng không có nghĩa sẽ mãi uyển chuyển để mặc sức nhóm đầu cơ tự tung tự tác, lợi dụng tâm lý thích vàng của người dân để trục lợi.
Nghị quyết 82 (đầu tháng 6 này, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5), Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý thị trường vàng, bảo đảm hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch… và “không để vàng hóa nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô”. Đây là một thử thách không nhỏ.