Tổng kết năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên
- Ngày 23/7 vừa qua, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên.
Phát triển quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học
Báo cáo về kết quả năm học 2023-2024 đối với giáo dục trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: Năm học 2023-2024, giáo dục trung học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 9, lớp 12; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 9, lớp 12 từ năm học 2024-2025.
Đây cũng là năm học tiếp tục thực hiện Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết 88 về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện việc đánh giá giữa kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GDĐT.
Năm học 2023-2024 có số học sinh tăng ở cả hai cấp học. Số học sinh cấp THCS là 6.550.552, tăng 472.852 học sinh so với năm học trước đó. Số học sinh cấp THPT là 2.993.731 tăng 106.166 học sinh so với năm học 2022-2023.
Đối với công tác phổ cập giáo dục, 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; mức độ 2 chiếm 23,8% và mức độ 3 chiếm 12,69%. 100% tỷ lệ huyện, xã đạt phổ cập giáo dục cấp THCS.
Về công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, hầu hết các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở, thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2023-2024, cấp THCS, THPT tổng số đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên tăng thêm lần lượt 2.641, 1.803 giáo viên so với năm học 2022-2023. Các địa phương đã triển khai tổ chức việc tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà. Một trong những điểm mới trong công tác tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn giáo viên của đổi mới giáo dục lần này là việc tăng cường khả năng tự đào tạo, tự bồi dưỡng của giáo viên.
Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ.
Công tác đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được kết quả tốt; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024 đạt thành tích cao.
Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.
Kết quả thực hiện chương trình cho thấy học sinh mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm của mình và có nhiều kỹ năng vượt trội, nhất là chủ động tiếp nhận nhiệm vụ của giáo viên, khả năng làm việc nhóm được cải thiện và giúp học sinh vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế nhiều hơn.
Nhận thức về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời chuyển biến tích cực
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục thường xuyên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Hoàng Đức Minh cho hay: Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định trong năm học qua. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên đã góp phần thúc đẩy học tập cộng đồng, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Năm học 2023-2024, tổng số cơ sở giáo dục thường xuyên là 19.055 trung tâm, tăng 498 trung tâm so với năm học 2022-2023.
Công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục thường xuyên trong năm học này được đổi mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường tính tự chủ, quản trị cho cơ sở, cùng với đó là tăng cường tính giải trình của người đứng đầu cơ sở; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát được cụ thể hóa, chuyên sâu theo từng lĩnh vực cụ thể; chất lượng, hiệu quả các chương trình giáo dục thường xuyên được chú trọng.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên được quan tâm thường xuyên; mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên được duy trì ổn định; nhận thức về giáo dục thường xuyên chuyển biến tích cực từ các cấp quản lý tại địa phương và nhận thức của người dân về học tập suốt đời không ngừng được nâng cao.
Hàng năm, các Sở GDĐT đã có các văn bản chỉ đạo, tiến hành kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đi vào hoạt động nề nếp. Hướng dẫn Phòng GDĐT chỉ đạo các trung tâm học tập cộng đồng đánh giá, xếp loại theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của nhà nước; góp phần trong việc thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: giảm hộ nghèo, tăng bình quân thu nhập, trật tự an ninh ổn định.
Việc các địa phương đã làm tốt công tác phổ cập giáo dục cấp Tiểu học và THCS, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dẫn đến số lượng học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS năm học 2023-2024 giảm so với năm học trước. Nhiều địa phương đã tích cực chỉ đạo Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động, vận động người chưa biết đọc, biết biết, người chưa đạt chuẩn biết chữ tham gia học các lớp xóa mù chữ.
Các Sở GDĐT đã chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT mới. Một số trung tâm cũng đã chủ động tham mưu xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị nguồn lực giáo viên để sẵn sàng cho việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mới. Nhiều trung tâm đã bám sát định hướng đổi mới Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để chủ động tuyển dụng giáo viên còn thiếu hoặc cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo bổ sung sẵn sàng triển khai thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT có chất lượng, hiệu quả.
Phối hợp thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả
Tại hội nghị, đại diện các sở GDĐT đã trao đổi, nêu các ý kiến, đề xuất liên quan đến thiếu giáo viên, tuyển dụng giáo viên; chương trình giảng dạy các cấp; quy mô mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất; chính sách giáo dục đội ngũ giáo viên; chính sách học sinh, đặc biệt là giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành |
Đánh giá công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại địa phương, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân nhận định: Bộ GDĐT đã sâu sát với cơ sở, địa phương trong quá trình thực hiện chương trình. Điều đó thể hiện ở việc kịp thời có những điều chỉnh trong quá trình triển khai. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dạy học tích hợp và thiếu giáo viên ở các môn học mới. Ông Nguyễn Tân cũng đề xuất một số giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả, đồng bộ.
Theo Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị Lê Thị Hương, năm học 2023-2024, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục và địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn. Do đó, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị đề xuất Bộ GDĐT nên tổ chức hội nghị tổng kết về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo điều kiện chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp cũng như tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và bàn về những định hướng, kế hoạch trong giai đoạn sắp tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Kết quả đạt được trong năm học vừa qua đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên là kết quả chung, minh chứng cho sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và ngành giáo dục 63 tỉnh, thành phố. Với những điều kiện kinh tế - xã hội, hoàn cảnh khác nhau, các địa phương đã nỗ lực, khắc phục, vượt khó và vượt lên chính mình để đạt kết quả tốt, hoàn thành mục tiêu năm học đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra. “Nếu tự chúng ta không có những kiểm tra, thanh tra sẽ tự buông xuôi sức lực của chính mình. Đối với các đơn vị, các địa phương có bộ máy chưa đúng quy định thì cần có các văn bản đề nghị thực hiện đúng quy định, thậm chí thực hiện kiểm tra và có những hướng dẫn cụ thể, thực tế”, Thứ trưởng nói.
Từ ý kiến trao đổi của các địa phương, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ GDĐT tổng hợp, tiếp thu và hoàn thiện báo cáo, lựa chọn phù hợp để đưa vào các nhiệm vụ năm học tiếp theo.
Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT cần tự đánh giá nghiêm túc, khắc phục những hạn chế yếu kém. Cần thực hiện tự kiểm tra, đánh giá thường xuyên và thanh tra đúng trọng tâm vấn đề.
Lưu ý các Sở GDĐT tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác dạy và học, Thứ trưởng nhấn mạnh: Đây không phải nhiệm vụ mới, nhưng phải luôn có những giải pháp, sự linh hoạt bằng cách tổ chức hội nghị, hội thảo, chương trình tháo gỡ những vấn đề khó để chất lượng giáo dục được nâng cao.
Theo Thứ trưởng, trong quá trình thực hiện cần quan tâm tới việc truyền cảm hứng, đam mê cho người học. “Đó là vai trò của người thầy, của môi trường giáo dục. Phải để học sinh thích thú với việc học rồi mới bàn đến câu chuyện phương pháp học, cách học. Phải cá thể hóa trong dạy học, học sinh trung bình phải được giáo dục phát triển thành học sinh giỏi, học sinh yếu kém phát triển thành học sinh trung bình, dần dần cải thiện chất lượng giáo dục. Công tác kiểm tra, đánh giá cần thực hiện thường xuyên, đặc biệt là kiểm tra đánh giá đầu cấp, cuối cấp. Chủ động làm quen các phương thức, hình thức để giáo viên, học sinh không bỡ ngỡ”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý với các địa phương về việc xây dựng các chương trình học tập, xây dựng văn hóa đọc tại nhà trường, cộng đồng, xã hội; phát triển các phong trào thi đua, thiết thực, hiệu quả ở các cấp trong toàn ngành giáo dục; quản lý học thêm, dạy thêm tại các địa phương…
Bước sang năm học 2024-2025, Thứ trưởng mong muốn các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ GDĐT với các Sở GDĐT, các địa phương để có sự phối hợp thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả trong giáo dục và đào tạo.