NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc trăn trở về sân khấu kịch 100 năm
Tọa đàm Chào mừng kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam gồm 3 phần: Người mở lối do Trần Minh Ngọc, Kim Cương và Thành Lộc; Kế thừa do Ca Lê Hồng, Huỳnh Anh Tuấn và Mỹ Uyên; Thích ứng và đổi mới do Thành Hội, tác giả Trần Văn Hưng và đạo diễn Trần Quý Bình tọa đàm.
100 năm kịch nói Bắc - Nam
Trong ký ức của "Kỳ nữ" Kim Cương từ những năm 1950 đổ về trước, miền Nam thịnh cải lương, chưa có kịch nói. Cuối thập niên 1950, đoàn Thăng Long nổi lên với những đêm diễn đại nhạc hội. Sau các tiết mục nhạc, đoàn thường xây dựng tiểu phẩm hài kịch khoảng 20 - 30 phút. Bà khi ấy là đào cải lương, được một số người bên đoàn Thăng Long như "Quái kiệt" Trần Văn Trạch mời tham gia các tiết mục.
Từ trái sang: đạo diễn Thanh Hiệp, NSND Trần Minh Ngọc, NSND Kim Cương và NSƯT Thành Lộc. |
Thành Lộc là thế hệ hậu bối của Kim Cương. Anh lớn lên trong bối cảnh vô cùng đặc biệt của nền kịch nói. Anh từng "khóc lên khóc xuống" khi xem Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Bông hồng cài áo, Trà hoa nữ... NSƯT Thành Lộc nói: "Hiếm ban kịch nào theo phong cách cực kỳ bình dân, kể chuyện "con sâu, cái kiến" nhưng độc đáo, sâu sắc và nhân văn như ban kịch Kim Cương". Dù vậy, trước năm 1975, kịch nói chỉ dừng lại ở chương trình đại nhạc hội và truyền hình.
Sau năm 1975, nền kịch nói miền Nam thay đổi lớn khi có sự xuất hiện của Đoàn kịch nói Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) và Đoàn kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát kịch Việt Nam), tạo nên sự giao thoa bản sắc độc đáo và mở ra nhiều cơ hội cho người trẻ theo đuổi kịch nói.
Thành Lộc may mắn khi lớn lên trong bối cảnh tuyệt vời như vậy. Bên cạnh các thần tượng như Kim Cương, Vân Hùng, Tâm Phan, Trần Quang, anh lại thần tượng thêm các tên tuổi Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh, được xem và lĩnh hội diễn xuất của Trúc Quỳnh, Đào Mộng Long. Từ đó, anh quyết định thi vào trường sân khấu để học bài bản, theo đuổi đam mê.
"Tôi lĩnh hội đồng thời sự phóng khoáng, dung dị của kịch miền Nam lẫn sự trình thức, thâm thúy của kịch miền Bắc", nghệ sĩ cho hay. Thế hệ Thành Lộc còn có Khánh Hoàng, Thành Hội, Ái Như, Hồng Vân, Hồng Đào,... dung hòa thế mạnh và thế yếu của hai phong cách kịch hai miền, trở thành thế hệ kịch sĩ đầu tiên được đào tạo bài bản của nền sân khấu xã hội chủ nghĩa.
NSND Trần Minh Ngọc tâm đắc chia sẻ: "Không chỉ nghệ sĩ miền Nam học hỏi miền Bắc mà nghệ sĩ miền Bắc cũng học rất nhiều từ miền Nam, nhất là khi xem Kim Cương diễn xuất. Họ nhận ra nhược điểm của mình là sự khô cứng, rập khuôn, thiếu truyền cảm. Kịch Dạ cổ hoài lang thành công vang dội, tác động mạnh mẽ đến tư duy của giới kịch sĩ miền Bắc, nhất là cách thoại. Sự giao thoa ấy tạo ra nền kịch nói đồng nhất của Việt Nam hiện tại - thành công tiêu biểu của 100 năm kịch nói".
Thành Lộc nói thêm, kịch Dạ cổ hoài lang là tác phẩm đầu tiên mà lớp kịch sĩ trẻ miền Nam sau 1975 trình diễn ở miền Bắc. "Sự kiện ấy mang rất nhiều ý nghĩa và giá trị lịch sử, nghệ thuật với chúng tôi cũng như với sân khấu kịch miền Nam", anh nói.
Thành Lộc kể, nghệ sĩ trẻ như anh thời đó chịu áp lực lớn khi diễn ở miền Bắc. Nhưng vở Dạ cổ hoài lang - một tác phẩm hồn hậu, thuần chất miền Nam nhưng vẫn bảo đảm tính học thuật, hoàn toàn chinh phục đồng nghiệp lẫn khán giả Hà Nội. Sự giao thoa thể hiện rõ qua những thay đổi của các sân khấu hai miền. Đến nay, anh không thấy sự phân biệt phong cách kịch Nam - Bắc nữa.
Hội Sân khấu TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của kịch miền Nam. Khi thế hệ đạo diễn trẻ sau 1975 tốt nghiệp, họ không có nhiều cơ hội phát triển vì các tên tuổi lớn vẫn ngự trị, các đoàn kịch chưa tin tưởng người trẻ. Chính Hội đã tổ chức CLB kịch thể nghiệm để các đạo diễn mới toanh "tung tẩy", thể nghiệm cái mới lẫn phát huy sở trường. Vô số tác phẩm hay ra đời, từ đó thúc đẩy sự thành hình của Liên hoan Sân khấu thể nghiệm. Đến mùa liên hoan thứ 2, rất nhiều đơn vị kịch miền Bắc đã chủ động đăng ký tham gia. Khi các cá nhân chủ động tạo ra sân khấu của riêng mình, cơ sở hình thành sân khấu xã hội hóa ra đời.
Kim Cương xúc động nói, thế hệ bà đi tiên phong nên mọi thứ rất hoang sơ: "Thế hệ Thành Lộc hội đủ yếu tố học hành, văn hóa, kỹ thuật... mà thế hệ chúng tôi không có". Bà cùng các cộng sự từ nhóm, lên ban rồi đoàn kịch là một hành trình dài.
Các nghệ sĩ tọa đàm 100 năm sân khấu kịch nói. |
Dù vậy, lớp tiên phong có những hạnh phúc của riêng mình. Kim Cương kể 2 kỷ niệm bà nhớ nhất là 2 lần ra Bắc. Lần đầu ra Hà Nội diễn Lá sầu riêng khoảng 1 - 2 năm hậu giải phóng, đoàn của bà diễn tận 3 suất/ngày vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu khán giả, khuya về có hàng trăm người đứng chờ nhìn tận mắt các nghệ sĩ. Kỷ niệm thứ 2 là sự kiện giao lưu các ngành nghề hai miền, Kim Cương đại diện ngành sân khấu miền Nam ra Bắc. Bà được nhà thơ Thế Lữ và kịch sĩ Song Kim đến thăm. Hai người mang theo toàn bộ kịch bản và tài liệu, sách về kịch nói hiện có ở miền Bắc tặng bà.
NSND Trần Minh Ngọc kết luận: "Không có thế hệ trẻ thì không có nền kịch nói. Sức mạnh của người trẻ là sáng tạo, không đi theo khuôn mẫu có sẵn".
Trưởng đoàn, giám đốc yếu chuyên môn quản trị
Thế hệ kế thừa Trần Minh Ngọc, Kim Cương cũng có nhiều suy tư riêng về bối cảnh cũng như hướng phát triển của kịch nói TP.HCM hiện tại.
Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf đặt vấn đề: "Khi giới phim ảnh xôn xao chuyện sửa đổi luật Điện ảnh, vì sao suốt 100 năm kịch nói, 400 năm chèo, 700 năm tuồng, chúng ta vẫn chưa có luật riêng cho nghệ thuật biểu diễn?". Theo anh, các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư,...) về nghệ thuật biểu diễn hiện rất cảm tính, thiếu cập nhật.
"Giới sân khấu cần tập hợp kiến nghị Quốc hội xây dựng luật riêng cho nghệ thuật biểu diễn. Chúng ta không thể "bơi" mãi trong mục tiêu 5 - 10 năm nữa. Nếu tiếp tục tụt hậu, chúng ta sẽ bị những bộ môn nghệ thuật có ưu thế thời đại lấn lướt và biến mất", anh nói.
Đạo diễn cũng đặt vấn đề về đào tạo. Mảng sân khấu quá chú trọng đào tạo diễn viên nhưng để hổng đào tạo nhân viên và quản lý. Chẳng hạn, nhân viên quay phim mảng điện ảnh có trường lớp dạy còn sân khấu thì không. Tương tự, tất cả quản lý sân khấu, giám đốc nhà hát miền Nam hiện tại đều là tay ngang.
"Không nơi nào trên thế giới như ở TP.HCM. Chúng ta mở sân khấu được 3 tháng không trụ nổi thì nhẹ nhàng đóng cửa. 100 năm rồi chúng ta chỉ tập trung đào tạo nghệ sĩ mà không nhìn những người đứng xung quanh họ là ai. Trưởng đoàn, giám đốc sân khấu kịch đều là nghệ sĩ, đa phần cảm tính, không có chuyên môn quản trị kinh doanh", anh nói.
Mỹ Uyên - Giám đốc Sân khấu kịch 5B thừa nhận chị và các cộng sự phải tự học marketing, sale để tìm khán giả cho sân khấu chứ không có trường lớp đào tạo mảng này.
NSƯT Ca Lê Hồng - nguyên hiệu trưởng Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) nói: "Phải thừa nhận khâu quản lý sân khấu của chúng ta rất yếu. Người quản lý không giỏi luật, không hiểu kinh tế thì quản lý thế nào? Chúng ta làm mọi thứ cảm tính mà không từ nền tảng chuyên môn. Các sân khấu hiện nay cũng rất thiếu một chuyên gia tư vấn pháp lý".
Gia Bảo