Đời sống
Bài 1: Trang sách soi sáng lòng yêu nước
Báo Quảng Bình.2023-04-17 07:13:27
(QBĐT) - Dưới thời Pháp thuộc, sau khi dập tắt phong trào Cần Vương, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện công cuộc bình định Quảng Bình với những thủ đoạn bóc lột, vơ vét về kinh tế và chính sách giáo dục ngu dân. Nhưng với truyền thống hiếu học đã có từ lâu đời, người dân Quảng Bình vẫn nỗ lực, mở mang kiến thức, hiểu biết. Trong đó, nổi bật là những cuốn sách giáo khoa đầu tiên về lịch sử, văn hóa, địa chí của tỉnh nhà do chính những trí thức Quảng Bình biên soạn, góp phần hun đúc tình yêu quê hương, đất nước của bao thế hệ học sinh.
Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh thực dân Pháp vừa duy trì nền giáo dục phong kiến, vừa mở rất ít các trường học, truyền thống hiếu học của người dân Quảng Bình vẫn được duy trì bền bỉ, nhiều con em quê hương là những tấm gương sáng cho ý chí, tinh thần tự học. Và những cuốn sách giáo khoa được viết nên bởi các tài năng đất Quảng Bình đã góp phần chắp cánh thêm ước mơ học tập của một thế hệ còn chìm trong gian khó, u tối trước khi được soi đường bởi ánh sáng cách mạng.
Vài nét về ngành Giáo dục Quảng Bình trước năm 1945
Theo cuốn “Lịch sử giáo dục-đào tạo Quảng Bình (1945-1995)”, dưới thời Pháp thuộc, thực dân Pháp vẫn duy trì sử dụng nền giáo dục phong kiến lạc hậu, đồng thời chủ trương mở nhỏ giọt một số trường tiểu học Pháp-Việt, nhằm đào tạo những người giúp việc cho bộ máy cai trị. Ngoài các trường tiểu học ở một số huyện lỵ, ở một vài thôn, xã, có trường sơ học (tương đương với hai lớp đầu cấp ở tiểu học hiện nay). Cả tỉnh lúc bấy giờ chỉ có Đồng Hới, Lệ Thủy, Quảng Trạch là có trường tiểu học, trong số 374 làng thì trung bình 18 làng có 1 trường sơ học.
Bên cạnh hệ thống trường công của nhà nước bảo hộ, các trường tư cũng xuất hiện, thu hút con em vào học, gần như làng nào, xã nào cũng có lớp học của các ông đồ, ông cử, cậu giáo và lớp gia đình học hiệu.
Từ năm 1919, nền Hán học hoàn toàn bị bãi bỏ, thay vào đó là sự độc tôn của nền giáo dục thực dân. Để hạn chế việc học tập của học sinh bản xứ, nhà nước bảo hộ đặt ra nhiều bậc học, kéo dài năm học, thi cử khắt khe và đặt ra nhiều loại trường, nhiều chương trình học cùng một cấp. Cụ thể, muốn tốt nghiệp trung học, trẻ em Việt Nam phải trải qua tổng số 13 năm học và 8 kỳ thi với tiếng Pháp là ngôn ngữ chính trong giảng dạy, học tập.
Những năm 1924-1925, ở Quảng Bình đã có những cuộc đấu tranh của thầy giáo và học sinh tham gia các phong trào yêu nước chống đế quốc, mở đầu là phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh bãi khóa ở các trường tiểu học Roòn, Thọ Linh, Đồng Hới. Các cuộc vận động bài trừ hàng ngoại hóa, dùng hàng nội hóa và phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh đã được tổ chức…
Giáo viên ở các trường học tuy số lượng còn ít và phần lớn là người từ các tỉnh khác đến dạy, nhưng đã sớm có tinh thần đấu tranh chống lại nền giáo dục nô dịch của thực dân, các thầy không chỉ đấu tranh về quan điểm, cảnh tỉnh và truyền thụ tư tưởng mới cho học sinh, mà còn lên tiếng đòi chính quyền bảo hộ phải cải cách giáo dục tăng thêm ngân sách mở trường.
![]() |
Đến những năm 1937-1938, phong trào vận động mở trường tư thục và truyền bá chữ Quốc ngữ ở Quảng Bình cũng được nhóm lên, tuy không được rầm rộ nhưng cũng đã thu được một vài kết quả. Trong suốt thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã xây dựng ở Quảng Bình một nền giáo dục quy mô nhỏ, số lượng trường lớp ít ỏi, chủ yếu là các trường sơ học, vì thế trình độ dân trí rất thấp, trên 95% nhân dân trong tỉnh bị mù chữ. Trong bối cảnh đó, vẫn có những tri thức một lòng vì nền giáo dục của quê hương, tự mình viết những cuốn sách về chính mảnh đất Quảng Bình để con em quê nhà được học hỏi nhiều hơn về chính vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Nổi bật có hai tác giả Lương Duy Tâm và Trần Kinh.
Những người yêu Quảng Bình
Nhà nghiên cứu Trần Hùng chia sẻ, trên thực tế, hiện chưa có nhiều nghiên cứu về giáo dục Quảng Bình giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhưng một trong những điểm nổi bật là các cuốn sách do chính người Quảng Bình hoặc người gắn bó với mảnh đất Quảng Bình biên soạn, trong đó phải kể đến “Quảng Bình địa dư tiện đọc” của Trần Kinh xuất bản năm 1926 và “Những bài học địa lý Quảng Bình” tập I, II của Lương Duy Tâm xuất bản năm 1937.
Nhà nghiên cứu Phan Viết Dũng từng viết lời đề tựa cuốn sách “Địa lý-Lịch sử Quảng Bình” (tập hợp hai tác phẩm “Những bài học địa lý Quảng Bình”, tập I, II và “Lịch sử Quảng Bình” (biên soạn năm 1963) của tác giả Lương Duy Tâm) như sau: Lương Duy Tâm là một trong những người thầy giáo, cán bộ quản lý đầu tiên của ngành Giáo dục Quảng Bình sau khi nước nhà độc lập.
Ông sinh năm 1901, lớn lên trong một dòng họ khoa bảng lại được nuôi dưỡng trên vùng đất Lệ Sơn-văn vật, có truyền thống hiếu học, ông đã dành phần lớn cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người. Trước Cách mạng tháng Tám, ông là giáo viên tư thục từng làm huấn đạo ở Thanh Hóa, giáo thọ ở Nghệ An. Cách mạng tháng Tám thành công ông trở về quê hương được cử làm Trưởng ty Thanh tra tiểu học (1946-1950) rồi Phó trưởng ty Giáo dục phổ thông (1950-1952). Ông là một trong những người thầy đầu tiên của Trường trung học Phan Bội Châu-trường trung học đầu tiên của tỉnh nhà.
Hòa bình lập lại ông làm giáo viên của Trường cấp hai Đồng Hải và sau đó là giáo viên của Trường cấp III Quảng Bình. Năm 1965, ông ra công tác tại Viện Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội và mất tại Hà Nội năm 1987. Trong đời ông, ngoài sự đam mê dạy học, ông còn say sưa nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, biên dịch các tác phẩm, tài liệu Hán Nôm, văn học Pháp ra tiếng Việt.
Tập “Những bài học địa lý Quảng Bình” được tác giả viết bằng tiếng Pháp. Giai đoạn này, việc học tập phải bằng tiếng Pháp. Thế nhưng các trường trong tỉnh lại không có một cuốn dư địa chí về tỉnh nhà bằng tiếng Pháp. Không bằng lòng với việc giảng dạy những khái niệm mơ hồ, không hoàn chỉnh, thiếu cơ bản và hơn thế nữa muốn học trò mình phải am tường địa lý của quê hương, ông đã soạn tập sách này. Tập sách đã được Thượng thư Bộ Giáo dục quốc gia lúc đó cho phép sử dụng và trở thành giáo khoa trong các trường tiểu học.
Còn theo cuốn “Quảng Bình nhân vật chí” của tác giả Nguyễn Tú, Trần Kinh có hiệu là An Đình, nên thường gọi là An Đình Trần Kinh. Ông là người tỉnh Thừa Thiên, nhưng làm kiểm học tỉnh Quảng Bình (giống như Giám đốc Sở Giáo dục). Ông không phải là người Quảng Bình, nhưng với “Quảng Bình địa dư tiện đọc”, ông đã để lại cho ngành Giáo dục Quảng Bình một tác phẩm như một dư địa chí bằng thơ lục bát xuất bản từ năm 1926. Không những thế, sách này đã biến thành những bài vè, bài hát ru con, ru em trong dân gian Quảng Bình, do trong thôn xóm, tiếng "học trò" học bài địa lý Quảng Bình đã lan truyền ra rộng rãi trong dân gian.
Khi viết lời tựa cho cuốn sách này, cụ Huỳnh Côn, một nhà khoa bảng hay chữ nhất Đồng Hới đã viết những lời rất tâm huyết: “Ngày nay, chính phủ đã chú trọng đến chữ Quốc ngữ, dùng sách quốc văn làm cái lợi khí để dạy cho các lớp dưới ở các trường tiểu học, vậy bây giờ chính là lúc học giới, giáo giới nước mình cần phải có nhiều sách sơ đẳng giáo khoa bằng chữ nước nhà vậy.
Quyển sách "Quảng Bình địa dư tiện đọc", ứng thời mà xuất hiện, thiệt là thích hợp với sự nhu yếu của các thầy giáo và học trò về môn học địa dư. Thế là trong tủ sách quốc văn giáo khoa này thêm một quyển mới. Trước khi dừng bút, tôi xin mượn mấy câu trong cuốn sách này để kết thúc bài tựa của tôi đây. "Non sông vẫn đất nước nhà/Đất nhà đã ở việc nhà phải hay/Việc nhà biết đủ một hai/Về sau khép lại trong ngoài hoàn dinh…”.
Mai Nhân
Bài 2: Yêu quê hương qua từng trang sách
Lưu bài viết
Chia sẻ